Ngày nay các trò chơi dân gian ngày càng bị mai một, thay thế vào đó là những trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh. Để lưu giữ truyền thống văn hóa và tạo cho trẻ môi trường học tập năng động, tích cực thì các bậc phụ huynh, cô giáo có thể tham khảo top 8 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị nhất hiện nay dưới đây.
[wpsm_titlebox title=”Nội dung” style=”1″] [wpsm_toplist] [/wpsm_titlebox]
Trò chơi bịt mắt bắt dê – Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non thú vị
Bịt mắt bắt dê được coi là một trong những trò chơi dân gian lâu đời nhất hiện nay. Trò chơi này thường được tổ chức trong các dịp tết thiếu nhi hoặc Trung thu. Không chỉ rèn luyện cho trẻ sức khỏe mà còn giúp tăng cường óc phán đoán và tinh thần đoàn kết giữa các người chơi với nhau.
Cách chơi: Cô giáo cần tổ chức cho các bé chơi ở một khoảng sân rộng. Dùng “oẳn tù tì” để tìm ra người thua cuộc. Người thua cuộc sẽ bị bịt mắt và đứng ở giữa vòng tròn. Các bé còn lại nắm tay nhau xếp thành vòng tròn lớn bao quanh bạn bị bịt mắt. Khi cô giáo hô “bắt đầu” thì các bạn nhỏ quanh vòng tròn liên tục kể “be!be!” giả tiếng con dê, và chạy theo chiều kim đồng hồ. Bạn bị bịt mắt sẽ dùng khả năng phán đoán của mình để di chuyển và bắt lấy một bạn đang chạy. Nếu muốn trò chơi khó hơn và thêm phần thú vị, cô có thể yêu cầu bé bịt mắt đoán tên người bị bắt. Nếu đoán trúng thì bé bị bắt lại đó sẽ thua và phải bịt mắt cho vòng chơi tiếp theo.
Dung dăng dung dẻ
Để giúp trẻ rèn luyện khả năng ghi nhớ và lưu giữ những bài đồng ca, ca dao truyền thống thì dung dăng dung dẻ chính là một trò chơi bổ ích mà các bé không thể bỏ qua.
Cách chơi: Cô giáo cho các bé nắm tay nhau xếp thành một hàng ngang, đi từ đầu san đến cuối sân, vừa đi vừa nhún nhảy vừa đọc bài đồng ca:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trời
Gặp cậu gặp mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Ngồi xệp xuống đây.”
Khi đọc đến câu “ngồi xệp xuống đây” thì các bé phải cùng nhau nắm tay ngồi xuống sàn một lúc. Sau đó nhóm tiếp theo cũng làm lại y như vậy.
Chi chi chành chành
Giống như dung dăng dung dẻ, chi chi chành chành là trò chơi giúp bé rèn luyện khả năng ghi nhớ và phản ứng nhanh nhạy. Tuy nhiên đây là trò chơi không cần đến hoạt động nhiều và hoàn toàn phù hợp cho những lớp học không có diện tích lớn.
Cách chơi: Các bạn nhỏ cùng nhau ngồi thành vòng tròn, chọn ra một bạn ngồi giữa vòng tròn ấy bằng cách “Oẳn tù xì”. Bạn ngồi giữa dùng một ngón tay, chỉ vào lòng bàn tay của từng bạn theo nhịp điệu của bài đồng dao:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Chấp dế đi tìm
Ù à ù ập.”
Đến chữ “ập” bạn nhỏ xòe tay được chỉ cuối cùng ấy phải nhanh chóng nắm bàn tay lại bắt lấy ngón tay của bạn ngồi giữa, bạn ngồi giữa phải nhanh chóng rút ngón tay ra khỏi bàn tay bạn kia, nếu bị bắt lại thì bạn ngồi giữa sẽ thua và loại khỏi vòng chơi. Cứ chơi liên tục như thế cho đến lúc còn lại 2 bạn cuối cùng đấu nhau để tìm ra người chiến thắng.
Mèo đuổi chuột
Mèo đuổi chuột là một trò chơi vô cùng thú vị, giúp các bé liên tưởng đến bộ phim hoạt hình huyền thoại Tom Jerry. Trò chơi này giúp các bé nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng vận động và sự khéo léo của cơ thể.
Cách chơi: Các bạn trong lớp chơi “kéo búa bao” để tìm ra hai người thua cuộc. Hai bạn này sẽ tiếp tục “oẳn tù tì” để tìm ra người thua làm mèo, người thắng làm chuột. Các bạn nhỏ còn lại xếp thành một vòng tròn, nắm tay nhau và đưa lên cao tạo thành lỗ đủ rộng để hai bạn mèo, chuột có thể chui qua. Hai bạn mèo chuột đứng ở giữa vòng tròn quay lưng vào nhau. Khi quản trò hô “bắt đầu” thì chú chuột phải chạy luồn lách qua cách lỗ hang và chú mèo đuổi theo, các bạn khác vừa dựng tay vừa hô “Cố lên! Cố lên” hoặc đọc bài đồng dao:
“Đã là Mèo
Phải bắt Chuột
Bắt được Chuột
Là chén liền
Đã là chuột
Trông thấy Mèo
Phải chạy ngay.”
Đến khi mèo bắt được chuột khi chuột đang chui ở hang nào thì hai bạn nhỏ dựng hang đó sẽ thay vào vị trí mèo chuột và tiếp tục chơi.
Trò chơi Cá sấu lên bờ
Trò chơi Cá sấu lên bờ khuyến khích khả năng vận động nhanh nhạy của trẻ, tăng cường phản xạ tự nhiên.
Chuẩn bị: 2-3 miếng xốp lớn dùng để làm bờ cho các bé đứng lên, một vài đồ chơi hình con cá, cua, tôm bằng nhựa có sẵn trong lớp học.
Cách chơi: Thông qua trò “kéo búa bao” để tìm ra 1 bé thua cuộc nhận vai Cá sấu. Cá sấu đứng canh giữa những bầy tôm cá. Các bạn nhỏ còn lại đóng vai ngư dân. Khi cô giáo hô ‘Trời sáng! Trời sáng!” thì bạn cá sấu đi ngủ và các bác ngư dân bắt đầu đi đánh cá. Ngay lúc đó cô sẽ hô “Trời tối! Trời tối!” thì Cá sấu liền thức dậy để đuổi bắt ngư dân, ngư dân nào không nhanh chân chạy lên bờ mà bị Cá sấu bắt kịp, sẽ bị thua và phải làm cá sấu ở vòng chơi sau.
Nhảy dây
Nhảy dây là trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai và tinh thần đồng đội tốt từ người chơi.
Chuẩn bị: Một sợi dây thừng dài hoặc dây quất chuyên dụng. Lưu ý, trò chơi này chỉ phù hợp chơi ở những nơi có diện tích rộng và mát mẻ.
Cách chơi: Chọn ra hai bạn có khả năng quất dây tốt và có thể kết hợp ăn ý với nhau. Mỗi bạn cầm một đầu dây và di chuyển cổ tay theo vòng tròn để quất dây. Các bé còn lại đứng thành hàng, dọc theo sợi dây. Khi hay bạn đầu dây bắt đầu quất dây thì các bạn nhỏ phải nhanh chân nhảy qua. Thông thường sẽ có một bạn hô to và các bạn cùng nhảy theo nhịp để các bạn có thể cùng nhau nhảy qua. Nếu ai bị vấp dây sẽ bị loại và các bạn tiếp tục chơi, người cuối cùng còn trụ lại sẽ là người chiến thắng.
Kéo cưa lừa xẻ
Một trò chơi khác giúp các bé nâng cao khả năng ghi nhớ và lưu giữ những bài đồng dao thú vị của ông cha đó chính là trò kéo cưa lừa xẻ.
Cách chơi: Mỗi đội gồm hay người chơi, nắm tay nhau đưa về phía trước. Vừa chơi vừa hát bài đồng dao, cứ mỗi câu ngắt nhịp lại đưa tay về một phía giống như đang cưa gỗ.
“Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.”
Đến câu “về bú tí mẹ” nếu tay nghiêng về phía ai thì người đó bị loại. Các bạn thắng cuộc tiếp tục chơi với nhau, cứ thế để chọn ra bạn nhỏ chiến thắng cuối cùng.
Oẳn tù xì – Kéo búa bao
Một trò chơi không thể thiếu trong bất cứ cuộc chơi nào để tìm ra người thắng bại. Không chỉ phù hợp với các bé mà đây còn là trò chơi thú vị được nhiều người lớn sử dụng khi quyết định một vụ cá cược, chơi đùa nào đó.
Cách chơi: Bạn chỉ cần đọc theo bài đồng dao:
“Oẳn tù tì
Ra cái gì?
Ra cái này!”
Bạn có thể ra kéo, búa, bao tùy thích. Theo quy luật kéo thắng bao, bao sẽ thắng búa, búa sẽ thắng kéo.
Trên đây là top 8 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non mà các bạn không thể bỏ qua. Mỗi trò chơi lại mang một ý nghĩa và đặc điểm khác nhau. Không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe, chơi trò chơi dân gian còn giúp các bé biết đến và lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúc các bé có những giờ chơi vui vẻ!