Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, độ tuổi từ 3-5 tuổi được coi là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành suy nghĩ và tính cách của trẻ. Ở bậc mầm non, các bé không chỉ được làm quen với các mặt chữ mà còn cần tham gia nhiều hoạt động vui chơi vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa hình thành thói quen sống tập thể, rèn luyện sự nhạy bén, thông minh cho trẻ. Dưới đây là top 10 trò chơi cho trẻ mầm non hay, thú vị nhất mà bạn có thể tham khảo.
[wpsm_titlebox title=”Nội dung” style=”1″] [wpsm_toplist] [/wpsm_titlebox]
Trò chơi cướp cờ – Trò chơi cho trẻ mầm non hay, thú vị nhất
Cướp cờ được biết đến như một trò chơi dân gian vô cùng phổ biến. Trong các cuộc tranh tài vui Xuân tại các đình làng ngày xưa, cướp cờ luôn là trò thu hút được nhiều người tham gia và cổ vũ nhất. Đối với các bé mầm non, một trò chơi bổ ích không chỉ thiên về vận động, sức khỏe mà còn cần sự phối hợp trí não, mà trên hết là liên quan đến bài học. Chính vì thế chúng ta có thể thay đổi và tổ chức trò chơi theo cách sau đây.
Chuẩn bị: Khoảng 10-15 lá cờ có dán chữ cái được cắm trên xốp hoặc đựng trong ống. Chia học sinh thành hai đội đứng cách nhau khoảng 5-7m, đặt ống cờ ở giữa. Người chơi mỗi đội được đánh số từ 1 đến hết. Kẻ vạch mốc trước vị trí đứng của mỗi đội
Cách chơi: Khi bắt đầu trò chơi, cô giáo gọi số nào thì bạn mang số đó chạy về phía ống cờ và cướp lấy lá cờ có chữ cái mà cô giáo yêu cầu. Ví dụ khi cô nói “số 2 chữ A” thì bạn mang số hai của mỗi đội nhanh chân chạy lên cướp lấy lá cờ mang chữ A và chạy về đích. Trong quá trình về đích nếu bạn còn lại (người không lấy được cờ) đuổi kịp và chạm vào người bạn cầm cờ thì chiến thắng thuộc về bạn đuổi theo bắt được bạn cầm cờ. Còn nếu bạn cầm cờ chạy kịp về đích trước khi bạn cướp cờ đuổi kịp thì chiến thắng thuộc về bạn cầm cờ.
Trò chơi kéo co
Cũng giống như cướp cờ, kéo co cùng là một trò chơi dân gian đã có từ rất lâu đời. Kéo co đòi hỏi sức mạnh của đôi tay và sự bám trụ chắc chắn chắn của chân, cùng tinh thần đồng đội cao từ các bạn nhỏ. Tuy nhiên, để tổ chức trò chơi này, chúng ta cần một không gian rộng lớn và càng đông người cổ vũ càng đem đến sự hứng khởi cho cuộc chơi.
Chuẩn bị: Cô giáo chỉ cần chuẩn bị một sợi dây thừng, buộc một chiếc khăn màu ở giữa sợi dây, thường là khăn màu đỏ. Chia người chơi thành hai đội đều nhau. Kẻ một vạch ngăn cách ở giữa.
Cách chơi: Mỗi nhóm cầm một đầu dây sao cho khăn màu nằm ở giữa đúng với vạch ngăn cách. Khi cô giáo thổi còi “bắt đầu”, thì các đội dùng hết sức lực của mình kéo sợi dây về hướng đội mình. Khi nào khăn vải màu bị kéo nghiêng hẳn về một bên và đội kia không thể kéo lại được thì đội kéo được khăn vải màu sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi xếp hình
Không cần đến quá nhiều sức lực và xếp hình là trò chơi phù hợp với những lớp học có diện tích không quá lớn. Trò chơi xếp hình đòi hỏi các bé phải vận dụng trí óc và tinh thần đồng đội. Đồng thời đây cũng là một trong những trò chơi giúp trẻ rèn luyện trí thông minh rất tốt.
Chuẩn bị: Những khối hình vuông, tròn, tam giác có sẵn trong lớp học. Cô giáo chia học sinh thành 2 đội, mỗi đội gồm 3-5 học sinh. Kẻ hai vạch đích cách nhau khoảng 3-5m.
Cách chơi: Cô giáo cho các bạn nhỏ xem một hình mẫu được xếp sẵn. Các bạn nhỏ đứng ở một đầu vạch đích, đầu vạch còn lại là nơi chứa các khối hình. Các bé cần hội ý trước để xem cần những hình gì để có thể xếp được giống hình mẫu, phân công người chạy đi lấy hình và người xếp hình. Khi cô giáo thổi còi “bắt đầu” thì các bé nhanh chân chạy lại chỗ vạch chứa khối hình và lấy về cho bạn ghép hình. Đội nào hoàn thành mô hình trước và giống với hình mẫu sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi ghép chữ
Để tăng khả năng nhận biết mặt chữ và sự dẻo dai, khỏe mạnh cho trẻ thì trò chơi ghép chữ chính là sự lựa chọn mà các bạn không thể bỏ qua.
Chuẩn bị: hai rổ chứa các chữ cái được đính nam châm đã có sẵn trong lớp. Chia học sinh thành hai đội, mỗi đội khoảng 5 bạn. Kẻ hai vạch đích cách nhau khoảng 5m, một vạch để rổ chữ cái, một vạch để các bé đứng.
Cách chơi: Cô giáo đưa ra một từ có sẵn và yêu cầu các bé tìm những chữ có trong từ đó và ghép lại cho đúng với từ mẫu. Trước khi bắt đầu các bé cần hội ý để phân công ai lấy chữ gì và cần một bạn đứng ở khu vực ghép chữ. Ngay khi bắt đầu, từng bạn nhỏ phải chạy về phía rổ chữ và nhặt lấy chữ cái yêu cầu mang về chỗ bạn ghép chữ. Nhóm nào ghép được chữ đúng và nhanh hơn sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi cướp ghế
Cướp ghế là trò chơi đòi hỏi phản ứng nhanh nhạy của trẻ. Thích hợp cho cả trí óc và vận động.
Chuẩn bị: Khoảng 7 chiếc ghế xếp lại với nhau. Chọn ra 6 bé để chơi. Chuẩn bị một bài nhạc.
Cách chơi: Cho các bé đứng thành vòng tròn. Khi cô giáo mở nhạc các bé vừa vỗ tay vừa di chuyển quanh vòng tròn. Cô giáo dừng nhạc ngẫu nhiên. Mỗi bé phải nhanh chóng ngồi vào một chiếc ghế. Bé nào không ngồi được vào ghế sẽ bị loại. Cứ như vậy, mỗi vòng chơi lại rút bớt một cái ghế. Ví dụ, 5 người thì đặt 4 ghế. Cho đến vòng cuối cùng còn 2 bạn và 1 chiếc ghế. Ai ngồi lên được chiếc ghế đó nhanh hơn thì là người chiến thắng.
Trò chơi sói và thỏ
Đây là trò chơi được cách điệu từ bịt mắt bắt dê, với mục đích tăng cường khả năng vận động giúp trẻ nhạy bén và khỏe mạnh hơn.
Chuẩn bị: Cô giáo kẻ hai vòng tròn cách nhau khoảng 5-7m. chọn một bạn làm cáo, khoảng 7-10 bạn làm thỏ. Một vài mô hình gọi là cà rốt, đặt ở các vị trí khác nhau.
Cách chơi: Các bạn thỏ đứng trong một vòng tròn và cáo đứng ở vòng tròn còn lại. Khi cô giáo hô “Trời sáng! Trời sáng!” thì các bạn thỏ bắt đầu đi kiếm ăn, sói đi ngủ. Trong khi thỏ đang đi tìm củ cải thì cô giáo liền kêu “Trời tối! Trời tối!”. Lúc này sói sẽ thức dậy đi bắt thỏ, các bạn thỏ phải nhanh chóng chạy về vòng tròn (hang). Nếu con thỏ nào bị sói bắt lại sẽ bị loại. Con thỏ nào sống sót cuối cùng sẽ là người chiến thắng.
Trò chơi truy tìm con vật
Truy tìm con vật là trò chơi giúp các bé nhận diện được hình dạng các con vật khác nhau và nâng cao khả năng ghi nhớ của trẻ.
Chuẩn bị: Cô giáo cần chuẩn bị các bị một slide gồm hình các con vật. Chia học sinh thành hai đội, mỗi đội gồm 5 bạn có đánh số lần lượt.
Cách chơi: Đầu tiên cô giới thiệu qua một lần để các bạn nhận diện được hình ảnh và tên gọi của các con vật. Hai đội ngồi ở hai hàng khác nhau. Cùng nhau hô “Con gì, con gì?”. Cô giáo bấm slide để hiện hình vật ngẫu nhiên đồng thời gọi bất kỳ một số. Bạn nhỏ nào mang số cô gọi thì sẽ đứng lên trả lời. Tất nhiên bạn nhỏ của đội nào đứng lên trước và trả lời đúng trước sẽ được cộng 1 điểm. Đến cuối trò chơi, đội nào đạt được nhiều điểm hơn sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi đi chợ
Cũng giống như trò chơi truy tìm con vật. Trò đi chợ này giúp các bé nhận biết các loại rau quả, thực phẩm cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
Chuẩn bị: Một rổ các bức ảnh hình hoa quả, thực phẩm hằng ngày. Chia các bé thành hai đội, mỗi đội khoảng 5-7 người xếp thành hàng dọc.
Cách chơi: Cho các bé đứng cách rổ ảnh khoảng 5m. Cô giáo ra hiệu lệnh, ví dụ “quả na” thì bé đầu tiên của mỗi hàng sẽ chạy về phía rổ để tìm và mang về hình ảnh quả na. Đội nào nhanh chân lấy được hình ảnh theo yêu cầu sẽ được cộng một điểm. Cuối cùng, đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.
Trò chơi chuyền bóng
Chuyền bóng là trò chơi cần diện tích phòng học lớn và đòi hỏi tinh thần đồng đội cao ở các bé.
Chuẩn bị: khoảng 20 quả bóng bay và một bài hát thiếu nhi khoảng 3-4 phút. Xếp các bé trong lớp thành 3 hàng dọc.
Cách chơi: Khi cô giáo mở nhạc, bạn nhỏ đầu tiên của mỗi hàng nhanh chân chạy về phía rổ bóng lấy bóng và trở về hàng, chuyền qua đầu cho bạn đứng sau, cứ thế đến bạn cuối cùng sẽ đưa bóng vào giỏ. Khi bài hát kết thúc, đội nào có nhiều bóng trong giỏ hơn sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi nụ, hoa, quả, lá
Nụ, hoa, quả, lá là trò chơi vận động giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ và vận dụng tư duy.
Cách chơi: Đầu tiên cô giáo sẽ hướng dẫn và giúp bé ghi nhớ các động tác ứng với tên gọi. Ví dụ: nụ (khép hai bàn tay lại trước ngực giống như chiếc nụ hoa), hoa (hé hai bàn tay ra, đặt trước ngực giống như tạo hình bông hoa), lá (đưa hai tay hướng lên trời và xòe bàn tay ra), quả (đưa hai tay hướng lên trời và nắm tay lại). mở một bài nhạc để không khí thêm sôi động. Khi cô giáo hô hiệu lệnh, nụ-hoa-lá-quả thì các bạn phải làm theo đúng động tác, những lần sau cô sẽ hô nhanh và đổi vị trí từng từ. Bạn nào làm sai sẽ bị loại. Ai là người còn lại cuối cùng sẽ là người chiến thắng.
Trên đây là top 10 trò chơi cho trẻ mầm non, hay và thú vị nhất. Trẻ em cần được phát triển toàn diện cả về trí óc lần sức khỏe. Những trò chơi trên không chỉ đơn giản ở việc rèn luyện thân thể mà còn tăng khả năng ghi nhớ và tình đoàn kết giữa các bạn trong đội. Mỗi trò chơi là một trải nghiệm khác nhau. Ở độ tuổi mầm non này, các cô và gia đình không nên ép trẻ phải học tập quá nhiều mà nên lịch động giữa “học mà chơi, chơi mà học”. Mong rằng những trò chơi ở trên sẽ đem đến cho cô và trò những khoảnh khắc thú vị và đáng nhớ.