Nếu các trò chơi vận động giúp phát triển thể chất thì các trò chơi tĩnh lại giúp trẻ phát triển trí não toàn diện. Chơi các trò chơi tĩnh sẽ rèn luyện cho trẻ sự khéo léo, tư duy logic, khả năng sáng tạo cũng như tăng khả năng tập trung, sự điềm tĩnh. Vậy trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non là gì và những trò chơi tĩnh nào mà trẻ có thể chơi?
[wpsm_titlebox title=”Nội dung” style=”1″] [wpsm_toplist] [/wpsm_titlebox]
Trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non là gì?
Chơi đùa là việc đóng vai trò rất quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tư duy. Đồng thời thông qua các trò chơi, trẻ còn tự biết cách xây dựng mối quan hệ của mình với thế giới xung quanh cũng như tự khám phá bản thân mình.
Vậy trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non là gì? Trò chơi tĩnh là những trò chơi mà trẻ sẽ ngồi chơi một chỗ, sử dụng tay và bộ não để chơi thay vì phải vận động nhiều về thể lực. Do vậy, các trò chơi tĩnh sẽ đòi hỏi trẻ phải có sự khéo léo, tư duy logic và trí tưởng tượng phong phú.
Các trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non
1. Trò nặn đất
Trò chơi nặn đất là một trong những trò chơi yêu thích của nhiều trẻ nhỏ. Với trò chơi này, trẻ có thể chơi một mình hoặc chơi cùng bạn. Thông qua trò chơi, trẻ sẽ rèn luyện được sự khéo léo cho đôi tay, kích thích trí tưởng tượng, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển trí thông minh ở bé.
Với đất nặn, trẻ có thể tự tưởng tượng và biến hóa thành những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu dựa trên sự tưởng tượng của trẻ. Hoặc cha mẹ có thể chơi cùng bé, hướng dẫn bé nặn theo những mẫu đơn giản, có sẵn để trẻ dần dần luyện tập tính kiên nhẫn và sự khéo léo cho đôi bàn tay non nớt của mình.
Đất nặn rất dễ kiếm. Mẹ có thể tự làm đất nặn cho con chỉ bằng bột mì, nước và màu thực phẩm. Cách này vừa an toàn cho con, đồng thời trong quá trình làm đất nặn, mẹ cũng có thể cho bé làm chung để tăng sự kết nối giữa hai mẹ con, và tăng sự sáng tạo với sắc màu cho bé yêu.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không có thời gian hoặc không tự làm được đất nặn cho bé, mẹ cũng có thể tìm mua ở các cửa hàng văn phòng phẩm, hiệu sách hoặc cửa hàng đồ chơi cho bé. Tuy nhiên, khi tìm mua đất nặn bên ngoài, mẹ nên lưu ý kiểm tra kỹ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận an toàn, độ tuổi thích hợp mà trẻ có thể chơi.
2. Trò chơi vẽ tranh và tô màu
Thông qua trò chơi tĩnh vẽ tranh và tô màu cho trẻ mầm non, não bộ trẻ sẽ được kích thích khả năng sáng tạo và tư duy về màu sắc cũng như gu thẩm mỹ. Trẻ sẽ có nhận thức rằng nên kết hợp những màu nào với nhau, chỗ nào nên tô màu xanh, chỗ nào nên tô màu đỏ,…. Đừng bắt ép trẻ phải tô đúng màu có sẵn hay bắt buộc trẻ chiếc lá phải tô màu xanh, mái nhà phải tô màu đỏ, …. Đó là sự sáng tạo của thiên nhiên, của người khác, không phải sự sáng tạo của bé nhà bạn. Đừng bắt suy nghĩ của trẻ phải theo lối mòn, theo tư duy của người lớn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tổ chức một cuộc thi tô màu, vẽ tranh cho bé. Việc đánh giá sẽ dựa trên tranh ai vẽ đẹp hơn, màu ai phối hợp hơn hay ai tô khéo để màu không bị lem ra ngoài,… Điều này sẽ là động lực lớn để giúp trẻ khéo léo hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hơn.
3. Trò chơi tĩnh lắp ráp và ghép hình
Trò chơi lắp ráp và ghép hình là trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non, giúp bé yêu nhà bạn tăng khả năng sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng, tăng khả năng ghi nhớ, sắp xếp, giải quyết vấn đề, đặc biệt là khả năng logic. Bạn có thể cho trẻ tiếp cận dần dần với trò chơi ghép hình, từ những hình nhỏ, ít mảnh ghép đến những hình to, nhiều mảnh ghép sau đó chuyển sang trò chơi lắp ráp..
Trò chơi lắp ráp và ghép hình là một trong những trò chơi tĩnh có độ khó cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tác dụng giúp trẻ rèn luyện tư duy, phát triển trí não toàn diện.
4. Trò chơi tập thể diễn kịch với thú bông
Đây cũng là một trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non xếp vào nhóm trò chơi tập thể. Với trò chơi này, mỗi bé sẽ lựa chọn cho mình một bạn thú bông, sử dụng khả năng kể chuyện và tư duy ngôn ngữ của mình để lồng ghép cho vai diễn.
Trò chơi này giúp bé phát triển trí não toàn diện, giúp bé tăng tư duy về ngôn ngữ, tăng khả năng sáng tạo nên các câu chuyện. Ngoài ra, qua trò chơi, tập thể, bé sẽ rèn luyện được cách tương tác với các bạn xung quanh, học hỏi được rất nhiều điều từ những bé khác.
5. Trò chơi tĩnh oẳn tù tì cho trẻ mầm non
Trò chơi này bé có thể chơi mọi lúc mọi nơi, với cha mẹ, người lớn, anh chị em hoặc bạn bè xung quanh. Thông qua trò chơi dân gian này, mẹ cha cũng có thể dạy bé tập đếm bằng tay rất hiệu quả. Quy luật của trò chơi là:
- Búa: nắm các ngón tay lại
- Kéo: xòe 2 ngón tay: ngón giữa và ngón trỏ, đồng thời nắm 3 ngón tay còn lại
- Bao: xòe cả 5 ngón tay ra
Để chơi trò chơi này, trẻ cần nắm được quy luật của trò chơi, đó là Giấy bọc búa, Búa làm vỡ kéo, Kéo cắt giấy. Do đó, để chơi được trò chơi này, trẻ cũng cần phải rèn luyện cách ghi nhớ, phán đoán, rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.
6. Trò chơi tập tầm vông, đoán tay có tay không
Quy luật của trò chơi này đó là người đối diện sẽ nắm một vật nhỏ ở 1 trong 2 lòng bàn tay, sao cho người đối diện không nhìn thấy vật đó. Giấu hai tay ra sau lưng và đọc:
“Tập tầm vông, tay không tay có
Tập tầm vó, tay có tay không
Tay nào có, tay nào không?”
Sau đó người còn lại sẽ lựa chọn xem bàn tay nào đang cầm vật nhỏ đó. Trò chơi này đơn giản nhưng sẽ làm trẻ rất thích thú và vui vẻ. Ngoài ra, trò chơi này cũng giúp trẻ tăng khả năng phán đoán, sử dụng não bộ để suy nghĩ, đưa ra quyết định.
7. Trò chơi chi chi chành chành
Đây là trò chơi tĩnh tập thể dành cho trẻ mầm non. Bé yêu nhà bạn có thể rủ thêm bạn để cùng chơi chung. Trong đó chọn ra một người xòe tay ra để những bạn khác giơ ngón trỏ đặt vào. Tiếp đó, người xòe bàn tay sẽ đọc:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập”
Khi người xòe tay ra đọc đến từ “ập” sẽ nắm tay lại. Ai không rút ngón trỏ nhanh, bị nắm trúng thì sẽ phải thế chỗ làm người xòe tay và đọc bài đồng dao để các bạn khác chơi.
Trò chơi này giúp các bé tăng khả năng phản xạ, sự tập trung và nâng cao năng lực phán đoán của não bộ, kích thích hệ thần kinh phát triển hơn.
8. Kích thích não bộ của trẻ phát triển qua các câu chuyện kể
Trẻ rất thích đọc truyện và thích được nghe cha mẹ, người lớn kể truyện cho nghe. Do đó, mẹ hãy dành thời gian để đọc truyện cho con nghe hàng ngày. Đây cũng là một trong những trò chơi tĩnh, giúp trẻ mầm non tiếp thu những điều thú vị.
Không chỉ có vậy, mẹ còn có thể chơi đùa với bé qua các câu chuyện này. Hai mẹ con có thể diễn kịch với nhau hoặc nhờ trẻ kể lại câu chuyện đó cho một người khác nghe. Điều này sẽ giúp trẻ tăng khả năng ghi nhớ cũng như khả năng ngôn ngữ của mình.
Tuy nhiên, với trẻ mầm non, mẹ nên lựa chọn những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn. Mẹ có thể lựa chọn những câu chuyện có tính giáo dục cao để kết hợp giữa phát triển kỹ năng cho trẻ với hướng dẫn, chỉ dạy trẻ những điều hay, điều tốt, việc đúng đắn, nên làm.
9. Trò chơi tĩnh ghi nhớ vị trí đồ vật
Trò chơi này, mẹ có thể chơi riêng cùng bé hoặc chơi cùng với một vài bạn nhỏ khác. Để bắt đầu trò chơi, mẹ lựa chọn một số đồ vật và sắp xếp chúng theo một thứ tự nhất định. Hoặc mẹ có thể cho trẻ tự đặt vị trí của chúng để tăng sự tương tác giữa các bạn bé.
Tiếp đó, mẹ yêu cầu các bé nhắm mắt lại. Mẹ sẽ thay đổi vị trí của các đồ vật đó. Sau khi bé mở mắt, hãy yêu cầu bé nói tên của những đồ vật bị thay đổi cùng với vị trí ban đầu của chúng.
Trò chơi tĩnh này cho trẻ mầm non sẽ giúp các bé tăng cường khả năng quan sát và ghi nhớ – một trong những dấu hiệu để nhận biết trẻ thông minh.
Như vậy, việc cho trẻ chơi các trò chơi tĩnh cho trẻ mầm non là phương pháp hiệu quả nhất để trẻ cảm nhận được thế giới xung quanh, đồng thời tăng khả năng ghi nhớ, óc quan sát, phán đoán,… giúp phát triển trí não toàn diện, thông minh hơn. Hy vọng rằng những trò chơi tĩnh trên đây còn giúp cha mẹ và các bé có được những phút giây vui vẻ, gần nhau hơn vì trên hết cha mẹ chính là người thầy đầu tiên dìu dắt con những bước chập chững đầu đời.