Sưng nướu, viêm nướu là tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy ở vùng nướu bọc quanh chân răng. Mọi người thường chủ quan với tình trạng này mà không biết rằng nếu sưng nướu răng không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành các bệnh như viêm nha chu, áp xe răng,….thậm chí có thể khiến răng bị rụng. Vậy nguyên nhân gây sưng nướu là gì? Dựa vào đâu để biết mình có bị viêm nướu không và cách phòng ngừa cũng như điều trị như thế nào?
[wpsm_titlebox title=”Nội dung” style=”1″] [wpsm_toplist] [/wpsm_titlebox]
Sưng nướu răng là có nguyên nhân từ đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sưng nướu răng. Tuy nhiên, phổ biến nhất đó là các nguyên nhân sau:
1.1 Do vệ sinh răng miệng không cẩn thận, sạch sẽ, vệ sinh sai cách.
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nướu răng bị sưng, viêm. Sở dĩ như vậy vì khi bạn vệ sinh răng không kỹ hoặc sai cách thì các mảng bám, tinh bột và thức ăn dính trên rằng vẫn còn tồn tại, từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm.
1.2 Do thường xuyên hút thuốc lá
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sưng nướu, viêm nướu. Sở dĩ như vậy vì khi hút thuốc, các mảng bám và cao răng xuất hiện nhiều hơn, khiến vùng nướu bị tổn thương, từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm, sưng đau.
Ngoài sưng nướu răng, người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác về răng miệng như bệnh nha chu, niêm mạc miệng bị tổn thương, nấm miệng, viêm xoang mạn tính,… thậm chí cả ung thư miệng rất nguy hiểm.
1.3 Do thay đổi hormone trong cơ thể
Khi có sự thay đổi hormone trong cơ thể, đặc biệt là với chị em phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai, sức đề kháng trong cơ thể sẽ giảm. Khi này các vi khuẩn sẽ dễ tấn công vào bên trong cơ thể qua đường miệng, gây hại cho sức khỏe.
Biểu hiện đầu tiên của việc vi khuẩn xâm nhập gây bất lợi về sức khỏe cho con người đó chính là nướu răng bị sưng viêm, đau nhức.
1.4 Do mắc phải một số bệnh lý làm giảm miễn dịch
Như đã nói ở trên, khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, các yếu tố có hại cho sức khỏe, vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài rất dễ xâm nhập vào trong cơ thể. Do đó, với những người có mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như tiểu đường, HIV,.. sẽ có nguy cơ bị sưng nướu răng cao hơn.
1.5 Do mọc răng khôn
Vào độ tuổi trưởng thành, bạn vẫn có thể mọc răng và người ta gọi đó là răng khôn. Răng khôn có thể xuất hiện năm bạn 19 – 20 tuổi, nhưng cũng có thể mãi năm 30 tuổi mới bắt đầu nhú lên.
Răng khôn khi mọc gây ra khá nhiều phiền toái cho con người. Đó có thể là tình trạng nứt lợi, gây sưng, viêm, đau nhức ở xung quanh vị trí răng khôn mọc. Hoặc răng khôn cũng có thể mọc lệch, xiên vào các răng khác, mọc trùm lợi….
1.6 Do chế độ ăn uống thiếu chất
Chế độ ăn uống thiếu Vitamin C cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nướu, sưng nướu răng.
1.7 Do tác dụng phụ của thuốc
Sưng nướu cũng có thể bắt nguồn từ những tác dụng phụ của thuốc. Do vậy, nếu thời gian gần đây bạn đang sử dụng loại thuốc nào đó mà thấy xuất hiện tình trạng đau nhức, sưng viêm vùng nướu thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn đổi sang loại thuốc khác ít tác dụng phụ hơn.
Cách nhận biết nướu răng bị sưng
Bạn có thể biết mình có đang bị sưng nướu răng hay không dựa vào những dấu hiệu sau:
- Đau nhức và cảm thấy sưng tấy vùng nướu.
- Nướu răng bị chảy máu
- Xuất hiện các mảng bám tích tụ trên cổ răng, quanh nướu răng
- Hơi thở có mùi
- Tụt nướu, lộ chân răng nên khiến răng nhìn dài hơn.
- Cấu trúc hàm thay đổi, khoảng cách các răng thưa hơn hoặc răng bị ngả về trước/ ngả về sau.
- Răng bị lung lay do nướu không ôm khít lấy chân răng.
- Sốt, mất ngủ hoặc chán ăn do tình trạng sưng nhức ở nướu răng.
Cách phòng ngừa viêm nướu, sưng nướu răng là gì?
Sưng nướu răng, viêm nướu có thể phòng ngừa bằng cách:
- Sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng để làm sạch thức ăn bám vào các kẽ rằng và chân răng. Khi sử dụng chỉ nha khoa cần nhẹ nhàng, tránh gây chảy máu nướu, tạo đường cho vi khuẩn xâm nhập gây sưng, viêm nướu răng.
- Nên đánh răng sau khi ăn 30 phút để giảm sự tích tụ và hình thành của mảng bám. Thời gian đánh răng kéo dài từ 2 – 3 phút mỗi lần. Một ngày chải răng từ 2 – 3 lần.
- Nên sử dụng bàn chải lông mềm, chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn để làm sạch răng, tránh tổn thương nướu. Đánh sạch răng cả trong lẫn ngoài, trên lẫn dưới.
- Sau khi đánh răng nên súc miệng với nước muối hoặc nước trà xanh để sát khuẩn cho răng.
- Cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin C, A, cho cơ thể.
- Cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể để giảm sưng viêm, đồng thời để miệng không bị khô.
- Có thể sử dụng kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt, giúp miệng không bị khô.
- Tránh xa các thực phẩm chứa đường, bia rượu, nước ngọt, chất kích thích.
- Định kỳ lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng 6 tháng một lần.
Cách trị sưng nướu răng, sưng nướu răng có mủ an toàn
Sưng nướu răng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về răng miệng, nguy cơ bị bệnh nha chu, dẫn đến răng bị lung lay, thậm chí mất răng. Ngoài ra, các bệnh về răng miệng còn có thể tiến triển thành nhiều bệnh nguy hiểm hơn như đau tim, đột quỵ hay tiểu đường.
Đặc biệt với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, bị sưng nướu răng dẫn đến bệnh nha chu sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn so với bình thường. Hoặc trẻ đủ ngày đủ tháng nhưng sẽ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Vì vậy, điều trị sưng nướu răng cần được điều trị dứt điểm bằng một trong những phương pháp sau:
- Lấy cao răng để ngăn ngừa vi khuẩn từ mảng bám tấn công vào vị trí nướu bị viêm nhiễm là điều cần làm khi tình trạng sưng nướu ở mức nhẹ, mới xuất hiện
- Với những vị trí nướu sưng đau có mủ, trước tiên cũng phải lấy cao răng, cạo sạch mủ chứa vi khuẩn dưới nướu kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm do bác sĩ răng hàm mặt kê đơn.
- Nếu sưng nướu răng bắt nguồn từ việc mọc răng khôn thì tùy trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn phù hợp. Nếu răng khôn mọc không ảnh hưởng đến các răng khác, không bị lợi trùm thì bạn có thể chỉ cần dùng kháng sinh, tiêu viêm là được. Ngược lại, nếu răng khôn mọc chèn vào vị trí các răng khác thì bắt buộc phải nhổ bỏ.
- Trường hợp nghiêm trọng hơn, sưng nướu răng khiến răng bị lung lay, ảnh hưởng đến các mô mềm thì bắt buộc bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ phần nha chu bị tổn thương đồng thời ghép thêm vạt nướu để cứu lấy phần răng có khả năng bị mất.
Ngoài ra, những người bị sưng nướu răng cũng cần quan tâm, chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của mình. Có những thực phẩm rất có lợi cho người bị viêm sưng vùng nướu, ngược lại có những thực phẩm nếu càng ăn vào thì tình trạng sưng viêm sẽ càng tăng.
Cụ thể, những thực phẩm có lợi cho nướu, giúp giảm tình trạng viêm nhức nướu răng gồm có gừng, tỏi, các loại trái cây chứa nhiều vitamin C hoặc trà xanh, các thực phẩm chứa acid lactic như bánh mì, sữa chua,.. . Mật ong có tính kháng khuẩn và khử trùng tốt nên người bị sưng nướu cũng có thể thêm vào chế độ dinh dưỡng của mình.
Bên cạnh những thực phẩm có lợi đó thì người bị sưng viêm nướu răng cần kiêng một số loại thực phẩm như đường, tinh bột, các thực phẩm làm khô miệng như nước tăng lực, nước ngọt,… Người bị sưng nướu cũng nên tránh xa bia, rượu, không được hút thuốc cũng như không được sử dụng các chất kích thích khác. Các món ăn, thực phẩm có vị chua, cay hoặc những đồ ăn cứng, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng sẽ khiến tình trạng đau nhức, sưng viêm vùng nướu trở nên trầm trọng hơn.
Như vậy, sưng nướu răng nếu không được điều trị kịp thời cũng sẽ gây ra rất nhiều bất lợi cho sức khỏe của con người. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu của sưng viêm nướu, bạn nên tới các phòng khám, bệnh viện răng hàm mặt để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.