Trẻ sơ sinh hay vặn mình, rướn người, trở người không phải là điều gì quá xa lạ đối với các mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên không vì thế mà các mẹ chủ quan, mẹ hãy quan sát bé thật kỹ. Nếu trẻ vặn mình kèm với những biểu hiện bất thường như giật mình, gồng đỏ mặt, quấy khóc trong thời gian dài, ngủ không sâu giấc. Thì bố mẹ cần đặc biệt lưu ý. Ở bài viết này, Kinhnghiembimsua.com sẽ giải thích chi tiết tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình và cách xử lý dành cho bố mẹ.
Tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ thường, hay ngọ nguậy như con sâu thường gặp khi trẻ khoảng 5 – 6 tuần tuổi. Đây có thể nói là một hiện tượng sinh lý bình thường, trẻ sẽ hết khi trên 4 tháng tuổi.
Nói về hiện tượng vặn mình của trẻ sơ sinh, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn – Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare TP.HCM cho biết chứng vặn mình có rất nhiều “truyền thuyết”. Có nơi cho rằng do thiếu sinh tố D; có vùng lại cho rằng lưng có lông… gây ngứa; có người lại đổ cho lúc giặt quần áo của bé, cha mẹ vặn (vắt nước) kiệt quá nên bé vặn mình.
Thực tế, não bé sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh. Quá trình hoàn chỉnh bộ não theo chiều từ đầu đến chân. Biểu hiện là bé phát triển vận động qua các giai đoạn nằm – ngồi – đứng – đi. Khi bé kiểm soát được thân thể thì sẽ hết vặn mình. Thông thường trong vài tuần tuổi đầu, bé sẽ vặn vẹo và hết vặn khi chừng bốn tháng tuổi.
Ngoài ra bé vặn mình có thể là do giường ngủ chưa phù hợp. Cha mẹ nên kiểm tra lại xem đệm, gối có cao hoặc cứng quá không. Cũng có thể do côn trùng chui vào người đốt hay da bé bị tổn thương. Bên cạnh đó, nếu trẻ vặn mình kết hợp ngủ không ngon giấc thì cần kiểm tra xem có phải là dấu hiệu của các bệnh lý khác không như:
Hạ canxi máu: Khi thấy trẻ dễ bị kích động, ngủ không ngon giấc, quấy khóc về đêm và vặn vẹo gồng mình khi ngủ. Đây rất có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi do cha mẹ cung cấp dinh dưỡng chưa hợp lý.
Cách khắc phục trẻ sơ sinh hay vặn mình
Thông thường hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình sẽ hết khi trẻ được 4 tháng tuổi. Tuy nhiên nếu muốn con ngủ ngon hơn, cha mẹ có thế áp dụng một số cách sau:
- Mặc quần áo thoải mái cho con. Bạn cũng nên chọn những loại tã lót mỏng nhẹ, có độ thấm hút tốt.
- Nhiệt độ phòng phù hợp, phòng cần phải thoáng mát, sạch sẽ.
- Giặt giũ chăn màn thường xuyên tránh để trẻ bị ngứa ngáy.
- Vuốt ve vỗ về xoa dịu mỗi khi bé vặn mình.
- Tắm nắng cho trẻ thường xuyên.
- Sử dụng gối đa năng có khả năng nâng đỡ tốt, không làm đau đầu bé khi nằm
- Bé vặn vẹo mình cũng có thể là do bị đau, khó chịu hay tã bị ướt,… Cha mẹ cần để ý đến cảm xúc của con để có biện pháp giải quyết ngay.
Đặc biệt, bố mẹ không được sử dụng mẹo lạ để chữa vặn mình cho trẻ. Bởi bất kỳ một mẹo truyền miệng nào chưa được kiểm chứng bởi bác sĩ sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu thấy trẻ vặn mình kèm các dấu hiệu bất thường, bạn cần đưa con ngay tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác nhất.
Kết luận
Như vậy có thể thấy vặn mình là hiện tượng sinh lý bình thường khi trẻ chưa quen với môi trường mới ngoài tử cung mẹ. Lúc này trẻ vận động cơ thể thường xuyên do phản ứng của vỏ não có xu hướng lan toả kích thích. Hiện tượng này sẽ hết khi trẻ dần quen với môi trường mới. Cha mẹ không cần quá lo lắng về hiện tượng sinh lý này.
Chỉ khi hiện tượng vặn mình ở trẻ kết hợp với những dấu hiệu bất thường khác, bạn nên đưa con tới bệnh viện để được kiểm tra chính xác nhất. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giải đáp được những thắc mắc của cha mẹ liên quan đến việc trẻ sơ sinh hay vặn mình.