Trò chơi Bar Code của Lại Văn Đức Thịnh, được đăng tải bởi New York Times sẽ có thể là trò chơi gây sốt tiếp theo trên toàn cầu.
Chắc chắn các bạn còn nhớ tới trò chơi giải đố Sudoku trên báo giấy khiến cả thế giới phát sốt. Đây là một trò chơi với quy luật đơn giản, bao gồm 1 bảng số, chỉ cần giấy bút cùng trí óc để chơi, được đăng tải đầu tiên bởi The Times, một tờ báo tại Anh Quốc. Tại Việt Nam, dân tình cũng không thể nào làm ngơ trước sức hấp dẫn của trò chơi này. Tất cả các tờ báo thời bấy giờ (khoảng những năm 2000) đều đặn có những câu đố Sudoku vắt óc mới có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của dòng game mobile cùng trang tin tức điện tử khiến trò chơi trở nên chìm nghỉm, chỉ còn dành cho những người thực sự đam mê.
Một trong những fan hâm mộ trung thành với thể loại giải đố trí tuệ này có chàng trai Lại Văn Đức Thịnh. Thịnh đã dùng niềm yêu thích game giải đố của mình để làm nên trò chơi Bar Code. Đương nhiên nó sẽ không thể làm nên cơn bão như Sudoku đã từng nhưng theo phóng viên tờ New York Times, ông Will Shortz nhận định nó vẫn rất gây nghiện và cuốn hút một khi đã bắt đầu.
Cũng theo ông Will Shortz, Bar Code sẽ xuất hiện trong 14 số báo tiếp theo của New York Times. Bar Code có cơ chế giải đố logic gần giống như Sudoku hay KenKen nhưng lại có cách giải đố khác biệt khá nhiều. Trò chơi bao gồm một bảng 6×6 có ghi các số ở đầu các cột và các hàng. Người chơi sẽ phải kẻ các đường thẳng có chiều dài bằng 1 vào, sao cho mỗi hàng hay cột có con số đường thẳng bằng với số ghi ở đầu hàng/cột đó. Yêu cầu chính là tất cả các đường thẳng này không được phép chạm vào nhau.
Như đã nói ở trên, Thịnh có niềm đam mê bất tận với game giải đố. Anh biết đến Sudoku khi dạo tìm trong hiệu sách. Ngay lần đầu tiên, Thịnh đã bị cuốn vào những ô số, mua liền 4 cuốn sách về trò chơi này. Trong khoảng thời gian học đại học, anh đã thức đến tận 4h sáng để giải câu đố Sudoku được treo thưởng 100 nghìn đồng của một tờ báo giấy.
Không chỉ Sudoku, anh Lại Văn Đức Thịnh còn tìm hiểu Kakuro và Futoshiki, cũng như đã tự tạo ra hàng chục biến thể của các trò chơi này. Anh còn viết một vài đầu sách về giải đố và bán trên Amazon. Hiện tại, theo chính anh nhận định rằng khả năng của anh đã cao hơn những gì đã chia sẻ trong sách. Đây không phải một sự tự tin quá đáng bởi việc Bar Code được một báo nước ngoài mua bản quyền đăng tải là cơ hội hiếm có và thể hiện tài năng của anh. Hiện anh Thịnh đang sống cùng gia đình ở Nha Trang, kinh tế gia đình cũng không quá mạnh khi cha mẹ là những người trồng mía. Với khoản tiền New York Times trả cho anh chắc chắn là một con số lớn, nhiều hơn thu nhập của cả gia đình anh trong 1 năm trời.
Theo Thịnh, anh đang có kế hoạch tham gia giải Vô địch Game giải đố Thế giới tổ chức ở Bangalore, Ấn Độ vào mùa thu, để được gặp những người có chung sở thích. Anh sẽ vẫn tiếp tục phát triển những trò chơi giải đố trên các phương tiện báo giấy và số hóa. Với bước tiến đầu tiên Bar Code được New York Times đăng tải đầy khởi sắc, hi vọng cái tên Lại Văn Đức Thịnh sẽ còn làm tự hào con người Việt Nam.